Nội dung
“Tôi đã tự giải quyết cái buồn bằng rượu, tự hủy hoại mình. Năm 1975, lúc đó tôi còn trẻ lắm, mới 19 tuổi.” – nhà văn Nguyễn Trí bộc bạch.
Tác Phẩm
“Bãi vàng, đá quý, trầm hương” – tác phẩm đầu tay của nhà văn Nguyễn Trí bất ngờ giành được giải thưởng Hội nhà văn 2013 với số phiếu bầu chọn tuyệt đối. Văn phong không chút bay bướm, chịu ảnh hưởng mạnh của ngôn ngữ và cách ăn nói bộc trực của người dân Nam Bộ. Chất liệu chính của tập truyện là 99% sự thật: thân phận những người con bán mạng xa quê hóa thân thành giang hồ tứ chiếng, tìm đến nơi rừng thiêng nước độc, kiếm manh áo, miếng cơm, ôm ấp giấc mộng đổi đời.
Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Trí, nhằm tìm hiểu rõ hơn về người đàn ông từng là một cậu bé ham đọc sách, sau này trở thành một trầm phu, lưu lạc gần trọn cuộc đời.
Nội dung hoàn toàn không giống ai
Ông nói đã viết 200 truyện ngắn và 2 tiểu thuyết chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây. Hầu hết chúng đều kể về quãng giữa của cuộc đời khi ông mưu sinh bằng nhiều nghề: dạy học, làm đồ tể, khai thác vàng, đá quý, trầm hương, chạy xe ôm, bán vé số, chở xà bần, chặt củi đốt than…. Vậy thời thơ ấu của ông đã diễn ra như thế nào?
– Tôi sinh ra ở Bình Định, nhưng tuổi thơ lại nằm tuốt trên Tân Cảnh (Tây Nguyên). Bố tôi là người Quảng Bình, năm 1945 ông đi lính cho vua Bảo Đại, qua thời Bảo Đại đến thời Ngô Đình Diệm. Năm 1956 ông được yêu cầu lên Tây Nguyên mang theo cả gia đình, lúc đó mẹ mới sinh tôi được 1 tuần. Từ năm 1966 đến năm 1977 gia đình tôi lại trở về Bình Định. Nguyên cả một thời kì Mậu Thân, tuổi trẻ của tôi nằm trong vùng chiến lược, dù tôi không đi lính.
Trong ba biến cố lớn của lịch sử: năm 1968, 1972, 1975, tôi đều nằm trong vùng bão lửa. Ở ngoài Hà Nội thì bom lửa, ở chỗ chúng tôi máy bay cũng bay ngang qua đầu. Cảm giác kinh khủng lắm.
Có câu hỏi trên vì tôi rất ngạc nhiên với tác phẩm. Là một người bôn ba khắp chốn và lao động chân tay cực nhọc, nhưng những trang viết của ông lại để lộ về một người từng đọc rất nhiều sách, nhớ nhiều câu văn câu vè.
– Thời trước năm 1975, tuổi trẻ của tụi tôi đâu có gì đâu ngoại trừ cây đàn guitar và sách? Chỉ có sách thôi, không có thứ gì khác. Ti-vi là một thứ đặc sản. Tôi biết đọc sách từ rất sớm, nhớ và thuộc nhiều đoạn văn, thậm chí đến bây giờ vẫn có thể đọc thuộc lòng không trừ một dấu phẩy. Ông trời cũng thương, cho mình một trí nhớ tương đối tốt.
Đọc và nhớ nhiều tác phẩm của những nhà văn Việt Nam, ông thấy họ có điểm gì chung?
– Các nhà văn miền Bắc có chất trí tuệ rất riêng, mỗi người bọn họ lại có một điểm độc đáo. Nhà văn miền Nam, đặc biệt là nhà văn miền Tây rất nổi lên trong thời gian gần đây. Chủ quan tôi nhận thấy, có thể do văn hóa miền sông nước nên giọng văn của họ từa tựa nhau, không có đứng độc lập riêng rõ nét như ở ngoài phía Bắc. Nếu ta đem khoảng 5 truyện đặt cạnh nhau, thì có thể thấy rất chung. Tôi cũng không nghĩ nhiều về phong cách riêng của mình, nhưng là nội dung truyện thì sẽ hoàn toàn không giống của ai.
Bi kịch bắt đầu từ cô đơn, lạc lõng
Bi kịch của cuộc đời ông, việc bắt đầu một cuộc đời thăng trầm vất vả là từ khi nào, và do đâu?
– Sau giải phóng. Đời sống thay đổi, một bộ phận người miền Nam lúc ấy có cảm giác mình không thuộc về và không được chấp nhận trong cộng đồng mới. Nỗi buồn chán và lạc lõng khiến không ít người trở nên bê tha, thất chí. Tôi đã tự giải quyết cái buồn bằng rượu, tự hủy hoại mình. Năm 1975, lúc đó tôi còn trẻ lắm, mới 19 tuổi. Bạn nghĩ coi, bây giờ một đứa trẻ mà bị cha mẹ la rầy, bị nhà trường mắng mỏ… nó cũng sinh ra tiêu cực, làm nhiều điều không phải.
Cũng may sau giải phóng không có ma túy chứ hồi đó tôi cũng bị bạn bè lôi kéo rủ rê, cũng biết chơi. Người ta triệt tiêu kĩ càng lắm. Nhờ không có nên cũng bỏ được.
Nhiều năm về sau tôi lấy vợ, có gia đình rồi nên bắt đầu bôn ba theo những nghề mà mình cho là có khả năng giàu rất cao. Trường hợp tôi cũng là cá biệt, chứ có nhiều người hổng dám đâu. Lên rừng, đi địu, chuyện chết là chuyện bình thường.
Ông bôn ba tìm vàng, tìm trầm (và kỳ nam) như vậy do bản tính ưu phiêu lưu, hay vì cần tiền?
– Bất cứ nghề nào tôi đã làm đều mang tính chất phiêu lưu. Nhưng thực ra tôi không cố ý phiêu lưu như. Tôi đi làm chủ yếu lấy tiền nuôi một bầu đoàn thê tử: 1 vợ và 4 đứa con. Tôi cần tiền lo cho gia đình, vì trách nhiệm. Trong thời kì gian khó nhất, cái gì có tiền là tôi làm.
Tôi nói thiệt người vợ của tôi khổ vì tôi lắm. Hồi trẻ cô ta đẹp gái, cô ta là niềm tin yêu và hy vọng của cả gia đình. Cái thưở xăng dầu còn phải phân phối, tôi không có đôi dép mà mang thì cô ấy có cán bộ đi xe 67 đến tán tỉnh. Tôi lúc ấy ở miền Trung đi lên Đà Lạt, nhà cô ấy ở vùng trọng điểm Tùng Nghĩa – khu nông nghiệp tốt lắm. Cô ấy yêu tôi, bỏ nhà đi theo tôi. Tôi đi rừng, toàn vấp phải bệnh tật nên cô ấy phải hy sinh nhiều lắm để cứu bệnh cho tôi.
Phải nói rằng cho đến bây giờ tôi thành thật mang ơn và không dám phản bội cô ấy. Nên tôi chừng mực đâu ra đó rõ ràng. Với lại, cuộc đời của tôi kiếm miếng cơm manh áo nó khó lắm, nên đâu có bao giờ dám bỏ tiền ra mua phở (cười).
Sách là điểm sáng nhất cuộc đời tôi
Ông có kể chuyện về người con trai lớn cũng bị nghiện. Tại sao ông đã từng trải qua chuyện đó thời trẻ rồi mà không thể giúp anh ấy?
– Trời ơi, thời buổi bây giờ tôi nói thiệt là không kiểm soát nổi. Bản thân tôi đã từng trải rồi mà thằng con vấp vô đành chịu bó tay. Tôi đã từng cai sống cho nó, xích tay chân nó lại chứ cai có thuốc thì nói làm gì. Cũng cái kiểu dân chơi không sợ mưa rơi đó. Ngồi vô bàn nhậu có rượu vô, bốc lên, chỉ một đứa thôi là kéo đứa khác nghiện liền. Chơi một lần, tới lần thứ hai xem như cuộc đời bị hủy diệt.
Tôi cũng viết một truyện về nó “Không còn nước mắt” – cái cảnh người cha nhìn con mình bị ma túy hủy hoại, nhưng không thể làm cách nào. Trong đời tôi, có 2 chuyện tự hào nhất, đó là bỏ được rượu và bỏ được thuốc lá, chứ giải thưởng văn học cũng chưa phải là điều tự hào nhất đâu.
Cái thứ ma túy, thời của tôi thứ nhất là không có mà chơi, thứ hai là vì trách nhiệm gia đình, thứ ba là do đam mê đọc sách – mình thích thú quá nên mình không nghĩ tới. Chứ tuổi trẻ bây giờ hầu như chúng không có gì để định hướng tương lai, nên đâm ra chán nản, và thế là tới đâu thì tới. Thằng con tôi có 2 đứa con đẹp như thiên thần, thế mà nó đi trại về chỉ ôm con được vài bữa, rồi lại đi theo tiếng gọi của ma túy.
Trong cuộc đời mình, ông vẫn liên tục đọc sách?
– Sách là điểm sáng nhất của cuộc đời tôi. Sách là không thể thiếu. Nhà tôi có Lenin toàn tập, Nguyễn Trãi toàn tập, Nguyễn Du… tôi đọc như là nhu cầu để sống. Lúc đi làm lồ ô, tôi đi thuê, đi mượn từng 2-3 chục cuốn một, mang theo bên mình dăm bữa nửa tháng, lại mang xuống trả người ta. Có đọc “Quán rượu” của Émile Zola chưa? “Tội ác và trừng phạt” của Dostoevsky? Hay lắm…
Ông có bao giờ bị mâu thuẫn không? Khi một quãng thời gian lao động cực nhọc, đào hầm lấy vàng, nhưng lại là một người đọc sách…?
– Không. (cười) Tôi cho đó là chuyện bình thường.
Có điều gì ông muốn làm lại trong cuộc đời mình?
– Nếu được, thì khoảng thời gian sống ở Sài Gòn những năm 2000 tôi sẽ không chọn. Chính khoảng thời gian sống ở Sài Gòn làm đứa con trai của tôi bị nghiện.
Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Trí!